Tư liệu thuộc về ban quản lý DTLS CM Côn Đảo
Côn Đảo là một vùng đảo đầu tiên nằm ở đông nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách Sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo có cùng một kinh độ với TPHCM (106036/ Kinh đông) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8036/ Vĩ bắc).
Sử sách nước ta xưa nay gọi là hòn đảo lớn nhất của quần đảo CÔN LÔN (gọi tắt là Côn Đảo), cả quần đảo này cũng gọi chung là địa danh ấy. Người ta cũng thường gặp những biến dạng gần gũi như: Côn Lôn Sơn, Côn Sơn, Côn Nôn. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo.
Tổng diện tích của cả quần đảo là 76km2.
1. CÔN LÔN tức Côn Đảo (Còn gọi là PHÚ HẢI) là đảo lớn nhất có hình dạng như con Gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông, có chiều dài khoảng 15km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km.
Diện tích 51,520km2, chiếm 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo.
2. Hòn CÔN LÔN NHỎ - tức Hòn Bà (Còn gọi là PHÚ SƠN). Diện tích 5,450km2 tiếp giáp với hòn Côn Lôn về phía Tây Nam bởi một khe nước khoảng 20m còn được gọi là Họng Đầm (hay Cửa tử), giữa 2 đảo là một vũng đầm còn gọi là Vịnh Tây Nam, nơi đây khá sâu và khuất gió rất thuận lợi cho tàu thuyền tránh sóng. Một cảng cá vừa được xây dựng nơi đây được gọi là cảng BẾN ĐẦM.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 18 (1784) Nguyễn Ánh giam cầm người vợ trẻ của mình là thứ phi Hoàng Phi Yến (tức Lê Thị Răm) trong một hang đá trên hòn đảo này, kể từ đó hòn Côn Lôn nhỏ được gọi là HÒN BÀ.
3. HÒN BẢY CẠNH (hay PHÚ CƯỜNG) cách Côn Lôn 7km về phía Đông Nam, có diện tích khoảng 5,500km2. Ở đây có ngọn hải đăng xây dựng từ năm 1883. Hiện nay ngọn hải đăng này vẫn hoạt động với tầm bán kính 72km để hướng dẫn tàu thuyền đi lại gần vùng biển Côn Đảo.
4. HÒN CAU (hay PHÚ LỆ) có diện tích 1,800km2 nằm cách Côn Lôn 12km về phía Đông. Nơi đây thực dân Pháp cho xây dựng nhà ngục để giam tù chính trị. Vào khoảng thời gian 1930-1931, đồng chí Phạm Văn Đồng từng bị đầy ải ra ngục này.
5. HÒN BÔNG LAN (hay PHÚ PHONG), có diện tích 0,200km2, với hình dạng như miếng bánh Bông Lan, nằm kề bên hòn Bảy Cạnh.
6. HÒN VUNG (hay PHÚ VINH) diện tích 0,150km2 có hình dạng như chiếc vung nồi úp chụp lên mặt biển xanh, nằm kế bên HÒN BÀ.
7. HÒN TRỌC (hay PHÚ NGHĨA) có diện tích 4,400km2 nằm về phía Tây Nam của hòn Côn Lôn. Đây cũng là nơi khai thác nguồn ngọc trai quý giá nên còn gọi là HÒN TRAI
8. HÒN TRỨNG (hay PHÚ THỌ), có diện tích 0,100km2 với hình dạng như một quả trứng khổng lồ, nằm ở hướng Đông Bắc của hòn Côn Lôn. Đây cũng là nơi xây tổ của loài chim biển.
9. HÒN TÀI LỚN (hay PHÚ BÌNH), diện tích 0,380km2.
10. HÒN TÀI NHỎ (hay PHÚ AN), có diện tích 0,100km2.
11. HÒN TRÁC LỚN (hay PHÚ HƯNG), diện tích 0,250km2.
12. HÒN TRÁC NHỎ (hay PHÚ THỊNH), diện tích 0,100km2.
Bốn hòn đảo này là một chuỗi đảo liên tiếp nối với hòn Bông Lan trải từ Đông Bắc xuống Tây Nam che chắn bên ngoài hòn Côn Lôn.
13. HÒN TRE LỚN (hay PHÚ HOÀ), diện tích 0,750km2.
14. HÒN TRE NHỎ (hay PHÚ HỘI), diện tích 0,250km2.
Hai hòn đảo này nằm về phía Tây và Tây Bắc của hòn Côn Lôn, ở đây có tre mọc thành rừng dày đặc. Năm 1930-1931 thực dân pháp đã dùng hòn Tre Lớn làm nơi lưu đầy tù chính trị như ở Hòn Cau. Nơi đây đồng chí Lê Duẩn bị thực dân pháp đày ải làm khổ sai một thời gian.
15. HÒN ANH (hay HÒN TRỨNG LỚN).
16. HÒN EM (hay HÒN TRỨNG NHỎ)
Hai hòn đảo nằm về phía Tây Nam của hòn Côn Lôn, khoảng cách gần 25 hải lý.
Do vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á. Côn Đảo được người phương tây biết rất sớm.
Từ thế kỷ thứ XIII (1294) đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý tên Marco PoLo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo.
Thế kỷ thứ XV-XVI có rất nhiều đoàn du hành của Châu Âu ghé viếng Côn Đảo.
Cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII tư bản Anh, Pháp đã bắt đầu nhòm ngó các nước Phương Đông. Nhiều lần các công ty Đông-Ấn của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với âm mưu xâm lược. Năm 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm thứ 12, công ty Đông - Ấn của anh ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài, cột cờ.
Sau 3 năm (ngày 3-2-1705) xảy ra cuộc nổi dậy của người Mã Lai MACASSAR (lính đánh thuê của chính quyền Anh) do chính quyền nhà nguyễn chủ trương tổ chức và chỉ huy nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ xứ Đàng trong, đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.
Ngày 28-11-1783, Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) trong chuyến đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của chúa Nguyễn Ánh về Pháp, tự đứng ra đại diện cho Nguyễn Ánh ký với Bá tước De Montmarin đại diện cho vua Louis 16 hiệp ước Versailles. Đó là văn kiện bán nước đầu tiên của nhà Nguyễn nhường cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn. Để đòi lại Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 người lính phi để chống trả lại Tây Sơn. Nhưng nội tình nước Pháp lúc bấy giờ đang bị khủng hoảng rất nghiêm trọng nên triều đình Pháp không thể thực hiện những cam kết, hiệp ước Versailles về mặt pháp lý cũng như trên thực tế không có giá trị gì.
Ngày 1-9-1858 Pháp tấn công Đà Nẵng chiếm đóng bán đảo Sơn Trà, chuẩn bị đánh Huế.
Tháng 2-1859 sau những trận đẫm máu ở Vũng Tàu (10-2-1859), Cần Giờ (11-2-1859) giặc Pháp hạ thành Gia Định (17-2-1859).
Tháng 4-1861, Pháp đánh chiếm Định Tường. Chính trong thời gian này, Pháp khẩn cấp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo vì sợ Anh nhảy vào hớt tay trên vị trí chiến lược quan trọng này.
Ngày 28-111861, Bonard (thuỷ sư đô đốc Pháp ngang nhiên hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray đến xâm chiếm Côn Lôn lúc 10 giờ sáng.
Tên trung uý hải quân Pháp Lespès Sebastien Nicolas Joachim đã tự vỗ ngực nhân danh nước Pháp chính thức đặt ách thống trị lên quần đảo Côn Lôn bằng một biên bản: “Tuyên cáo xâm lược”.
Ngày 14-1-1862 chiếc tàu chở hàng (Nievre) chở một số nhân viên ra đảo, họ có nhiệm vụ tìm vị trí thuận lợi dựng tạm hải đăng Côn Đảo, nhằm chóng chế nếu có nước nào phản kháng hành động xâm lược.
Ngày 1-2-1862 Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn núi non hùng vĩ, biển trời trong lành thành “Địa Ngục Trần Gian”.
Quần đảo Côn Lôn trước khi thuộc Pháp, thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản hạt.
Ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ.
Tháng 9-1954, nguỵ quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ lao tù của thực dân Pháp đã đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn.
Ngày 22-10-1956, theo sắc lệnh Diệm ký thành lập tỉnh Côn Sơn, một tỉnh không có dân cư, chỉ có người tù và bộ máy trị tù.
Ngày 24-4-1965, nguỵ quyền Sài Gòn đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc Bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chánh.
Sau hiệp định Paris (27-1-1973) nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn đánh lạc hướng dư luận Quốc tế, lại đổi tên quần đảo này một lần nữa. Cai tên PHÚ HẢI xa lạ (thị trấn Phú Hải tỉnh Gia Định) được nhắc đến trong các văn-thư-từ của Mỹ nguỵ từ nagỳ 1-11-1974 và cũng là ngày các hòn đảo cũng như các trại tù đều có ghép chữ “PHÚ”.
Ngày 1-5-1975, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi cảnh “ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN” trải qua 113 năm.
Tháng 5-1975, Côn Đảo được gọi là tỉnh Côn Đảo.
Tháng 1-1977, huyện Côn Đảo - Tỉnh Hậu Giang.
Tháng 5-1979, quận Côn Đảo - Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Tháng 10-1991 đến nay: Huyện Côn Đảo, tỉnh BR-VT.
Bộ máy hành chính và dân cư:
Hiện nay Côn Đảo là một huyện chính quyền 1 cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn dân cư. Dân số tính đến cuối năm 2003 là 4.466 người, thuộc 9 khu dân cư.
* Thị trấn Côn Đảo: nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt ở toạ độ 106036/10// vĩ độ Bắc. Cao độ trung bình khoảng 3m so với mặt nước biển. Chiều dài từ 8 đến 10km và chiều rộng từ 2 đến 3km. Một mặt trông ra biển (VỊNH ĐÔNG NAM). Ba mặt còn lại vây quanh là núi, chính nơi đây tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo.
DI TÍCH LỊCH SỬ CÔN ĐẢO
I. HỆ THỐNG NHÀ TÙ CÔN ĐẢO (1862-1975)
A. Các trại giam thời Pháp:
1. BAGNE (BANH) I: Còn được gọi các tên lao I, trại CỘNG HOÀ, TRẠI 2 và sau cùng (11/1974) được gọi là trại PHÚ HẢI xây dựng năm 1862 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896.
- Tổng diện tích 12.015m2
- Trong đó diện tích phòng giam 2.915m2
- Nhà phụ thuộc 1.531m2
- Khoảng trống, cây xanh 7.569m2
- Bao gồm: 10 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 5 phòng)
- 01 phòng gaim đặc biệt
- 20 xà lim (hầm đá)
- 01 hầm xay lúa (thời Mỹ nguỵ chuyển thành bệnh xá)
- 01 khu đập đá (khổ sai trong Banh)
Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Câu lạc bộ, phòng hớt tóc, nhà bếp, nhà ăn, giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự, nhà kho, văn phòng giám thị và sân vườn.
Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử.
2. BANH II: Còn gọi các tên: Lao II, trại NHÂN VỊ, trại 3, và sau cùng là trại PHÚ SƠN.
- Xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh I
- tổng diện tích: 13.228m2
- Trong đó diện tích phòng giam: 2.414m2
- Nhà phụ thuộc 854m2
- Khoảng trống, cây xanh 9.960m2
- Bao gồm: 13 phòng giam tập thể, 01 khu biệt lập có 14 xà lim.
- 01 phòng tối (nằm cạnh văn phòng giám thị)
Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Phòng y tế, nhà ăn, nhà bếp, câu lạc bộ, phòng hớt tóc, phòng trật tự, văn phòng giám thị và sân vườn.
3. BANH 3: Còn gọi các tên: Lao III, Trại BÁC ÁI, Trại 1, và sau cùng là trại PHÚ THỌ.
Xây dựng năm 1928, cách Banh I, Banh II khoảng 1km.
- Tổng diện tích: 12.700m2
- Diện tích phòng giam: 1.200m2
- Thời Pháp gồm có: 3 dãy phòng giam, trong đó có 2 dãy phòng gaim tập thể và 1 dãy biệt lập, 1 khu nhà bếp và 1 khu bệnh xá (dành để cách ly bệnh kiết lỵ).
Sau cách mạng tháng 8-1945 trại giam này được chỉnh trang lại còn 2 dãy phòng giam (theo số thứ tự từ phòng 1-8)
THỜI MỸ-NGUỴ: Xây thêm 2 phòng 9 và 10 phía sau bệnh xá.
Đặc biệt phòng 10, Mỹ-Nguỵ dùng làm khu biệt lập để bổ sung cho khu chuồng cọp nên được ngăn ra 15 khu biệt giam, trên trần không có song sắt như chuồng cọp, chỉ đang bằng kẻm gai chằng chịt. Người tù bị giam ở đây đã đặc cho nó một cái tên rất dí dỏm: “BIỆT LẬP CHUỒNG GÀ:
Các công trình phụ: Nhà ăn, nhà kho, nhà bếp, văn phòng giám thị và sân vườn.
4. BANH III PHỤ: Còn gọi các tên Lao III phụ, trại ohụ BÁC ÁI, TRẠI 4 và cuối cùng là TRẠI PHÚ TƯỜNG.
- Xây dựng năm: 1941
- Tổng diện tích: 5.804m2
- Diện tích phòng giam: 962m2
- Nhà phụ thuộc: 152m2
- Khoảng trống: 4.690m2
- Bao gồm: 08 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 4 phòng)
Công trình phụ: Nhà bếp, nhà kho, bệnh xá và sân vườn.
* Banh III cùng với Banh III phụ và trại 5 ( thời Mỹ -nguỵ xây dựng 1962) tạo thành 1 cụm bao quanh khu biệt lập nổi tiếng: “Chuồng cọp Pháp”
5. CHUỒNG CỌP PHÁP
- Xây dựng năm: 1940
- Tổng diện tích: 5.475m2
- Diện tích phòng giam 1.408m2
- Phòng tắm nắng 1.873m2
- Khoảng trống: 2.194m2
- Bao gồm: 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng)
Bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn).
Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che được gọi là “Phòng tắm nắng” (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng).
Phòng tắm nắng còn là nơi để dùng hành hạ, phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập, tra tấn.
Cuối năm 1970 Mỹ-Thiệu ra lệng giải toả chuồng cọp (họ biến khu biệt lập này thành chuồng nuôi Thỏ) để xoa dịu làn sóng đấu tranh của tù nhân cũng như phong trào yêu nước ở miền nam Việt Nam và dư luận Quốc tế.
6. BIỆT LẬP CHUỒNG BÒ:
Thời Mỹ-Nguỵ còn gọi là trại An Ninh Chuồng Bò.
- Xây dựng năm: 1930
- Tổng diện tích: 4.410m2
- Diện tích phòng giam: 547m2
- Chuồng trại: 270m2
- Khoảng trống: 3.293m2
- Bao gồm: 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò.
Năm 1963: Để mở rộng nhà tù Mỹ-nguỵ sữa chữa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam.
Hầm phân bò: Sâu 3m chia làm 2 ngăn có hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang.
Địch sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù xuống đó tra tấn hành hạ cực kỳ dã man và bí mật.
B. Các trại giam thời Mỹ-nguỵ
7. TRẠI 5: BCòn gọi là trại PHÚ PHONG
- Xây dựng năm: 1962
- Tổng diện tích: 3.594m2
- Diện tích phòng giam 1.400m2
- Bao gồm: 12 phòng giam tập thể chia làm 3 dãy (mỗi dãy 4 phòng) và một khu nhà bếp.
8. TRẠI 6: Còn gọi là trại PHÚ AN
- Xây dựng năm: 1968
- Tổng diện tích: 42.140m2
- Diện tích phòng giam 2.556m2
- Nhà phụ thuộc: 696m2
- Nhà ở: 27m2
- Khoảng trống: 38.861m2
Bao gồm: 20 phòng gaim và 8 xà lim được chia làm 2 khu A và B, (mỗi khu có 10 hpòng giam và 4 xà lim).
Ngoài ra còn có nhà bếp, nhà ăn, nhà trật tự.
9. TRẠI 7: Còn gọi là trại PHÚ BÌNH hay “Chuồng cọp kiểu Mỹ”
- Xây dựng năm: 1971
- Tổng diện tích: 25.768m2
- Trong đó: Diện tích phòng giam 2.562m2
- Nhà phụ thuộc: 637m2
- Nhà ở: 173m2
- Khoảng trống: 22.369m2
Bao gồm: 384 phòng biệt giam chia ra làm 4 khu: AB-Côn Đảo-EF-GH. Mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy 48 phòng. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.
Đây cũng là nơi nổi dậy đầu tiên vào lúc 12 giờ đêm 30-4 rạng sáng 1-5-1975 (tại khu GH) giải phóng nhà tù Côn Đảo thoát khỏi cảnh “Địa Ngục Trần Gian” suốt 113 năm.
10. TRẠI 8: Còn gọi là trại PHÚ HƯNG
Xây dựng năm: 1971
Tổng diện tích: 26.200m2
Bao gồm: 20 phòng giam và 8 xà lim, chia ra làm 2 khu, mỗi khu 10 phòng và 4 xà lim.
11. TRẠI 9: Mỹ-nguỵ đang cho đổ bê tông, đúc cột, nền thì hiệp Pa-ri ký kết nên đã bỏ dở.
* HỆ THỐNG NHÀ TÙ CÔN ĐẢO qua 2 thời kỳ PHÁP-MỸ xây dựng tổng cộng:
- 127 phòng giam
- 42 xà lim
- 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”
Bên cạnh đó còn có các cơ sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chánh của địch.
II. CÁC SỞ TÙ
Các sở này lần lượt xuất hiện trước sau không đồng loạt, nhằm 2 mục đích:
- Phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chánh của địch và cho đời sống của người tù trên đảo.
- Cải tạo người tù bằng lao động hkổ sai.
Dựa theo các tài liệu, tính đến khoảng 1930 có ít nhất 18 sở tù sau đây đã đi vào hoạt động.
1. SỞ LƯỚI: Chuyên đánh bắt hải sản quản lý ghe xuồng, khi cần thì truy bắt tù vượt ngục trên biển.
2. SỞ RUỘNG: Chuyên đóng cày bừa, sản xuất dụng cụ công tác và làm ruộng.
3. SỞ LÀM ĐÁ: Ở dưới chân núi chúa. Chuyên khai thác đá bằng cốt mìn và các dụng cụ thủ công, đập thành đá hộc, đá dăm để làm đường.
4. SỞ KÉO CÂY: Sở này còn gọi là sở Ông Câu, chuyên khai thác gỗ lớn thả theo sườn úi cho lăn xuống biển rồi kết thành bè chờ xà lúp kéo về.
5. SỞ CHUỒNG BÒ: Có hai công việc:
- Chăn nuôi bò, heo.
- Kiếm 4 loại củi khác nhau: Củi dùng cho nhà máy nhiệt điện, củi đốt tha, củi nung vôi và củi nầu bếp ở các Banh, đây là một trong những sở phải làm việc nặng nề, lao lực đáng sợ nhất.
6. SỞ LÒ GẠCH: Sản xuất gạch xây dựng các nhà ở và trại giam.
7. SỞ LÒ VÔI: Sở này do kíp tù ở khám chỉ tồn phụ trách 2 khâu: Đi lấy san hô ngoài biển đem về nung san hô thành vôi bột.
8. SỞ MUỐI: Làm ruộng muối ở làng An Hội.
9. SỞ BÃN CHẾ: Là xưởng tiểu thủ công nghiệp, khai thác tay nghề của tù để làm các nghề mây, cẩn ốc, đồi mồi, mộc, cơ khí.
10. SỞ TIÊU: Là một nông trường rộng lớn, đầy làm sơn chướng khí, người Pháp cho chồng cây mít rồi chồng tiêu, cho tiêu leo lên cây mít.
11. SỞ RẪY AN HẢI: Là nông trường lớn ở làng An Hải. Trồng nhiều loại cây ăn trái và cung cấp giống cây trồng cho toàn đảo.
12. SỞ CỎ ỐNG: Nông trường lớn hơn ở An Hải, thuộc làng Cỏ Ống cây trồng cũng phong phú và đa dạng hơn nhưng chủ yếu là sở lúa. Sở này cách trung tâm 12km nên việc chuyên chở đi lại rất khó khăn và vất vả.
13. SỞ HOÀ NI: (Vanilliers) trồng cây Va-ni để đưa về Sài Gòn bán. Về sau sở Hoà Ni còn là sở trồng trọt hoa màu.
14. SỞ BÔNG HỒNG: Lúc đầu trồng bông hồng, sau chuyển thành rau quả (còn gọi là sở Bông Hường).
15. SỞ RẪY ÔNG LỚN: Là khu vườn rộng lớn của viên quản đốc nhà tù, trồng cây ăn trái và nuôi vích, Đồi mồi.
16. SỞ ÔNG ĐỤNG: Trồng cây màu như khoai, dắn, bầu, bí sở này ở xa nhất, bên sườn phía tây Núi Chúa.
17. SỞ VỆ SINH: Trưng dụng tù ở các trại để lo việc vét đường, hốt rác, đổ phân, đúng da đây chỉ là khu tạp dịch hàng ngày.
18. SỞ ĐẤT DỐC: Trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia cầm, gia súc.
III. KHU NHÀ CHÚA ĐẢO:
Tổng diện tích 18.600m2 trong đó nhà chính và phụ 1.250m2, sân vườn 17.000m2.
Đây là nơi ở và làm việc của 53 tên chúa Đảo trải qua 113 năm (1862-1975)
Từ sau ngày giải phóng đến nay, nhà chúa Đảo được dùng làm nơi trưng bày lưu niệm về khu di tích Côn Đảo.
IV. CẦU MA THIÊN LÃNH:
Dưới chân núi Chúa, con đườngtừ thị trấn chạy tới đó chia làm 3 nhánh:
- Nhánh thứ nhất chạy từ Nghĩa Trang Hàng Dương.
- Nhánh thứ nhì chạy qua khu Sở Tiêu.
- Nhánh thứ 3 (ở giữa 2 nhánh kia) chạy thẳng lên đèo Ông Đụng qua rặng núi tới bãi Ông Câu bên bờ tây của Đảo.
Từ năm 1930-1945 thực dân Pháp mở nhánh này đến sở Ông Câu để tiện kiểm soát tù vượt ngục.
Khi mở đường bọn chúa ngục bắt tù nhân khiêng đá xây trên đèo Ông Đụng một cây cầu. Do địa thế núi cheo leo, hiểm trở, lao dịch nặng nhọc quá sức, người tù bị chết hại đến 356 người (theo người tù nhẩm tính) mà cầu chỉ mới xây được 2 mố cầu, mỗi mố cao khoảng 8m.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, công trình này bỏ dở dang.
Tên MA THIÊN LÃNH do tù nhân lấy tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở Triều Tiên, địa thế hiểm ác khó lên xuống, phỏng theo truyện tàu “Tiết Nhân Qúi Chinh Đông” đặt tên cho cầu này.
V. CẦU TÀU LỊCH SỬ 914:
Cầu tàu nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo).
Cầu tàu được khởi sự xây dựng từ năm 1873. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra Đảo tù đày, nhiều người chỉ qua cầu một lần rồi vĩnh viễn yên nghĩ tại Côn Đảo. Nhưng cầu tàu cũng là chứng kiến những giờ phút vinh quang xúc động mỗi dịp Đảo được giải phóng.
Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu.
Có nhiều tài liệu nêu danh cầu tàu có số khác nhau: 871, 917, 917 nhưng được nhiều người biết phổ biến nhất với danh số 914.
VI. CÔNG QUÁN:
Phía trong của cầu tàu, bên trái (cách bờ biển khoảng 20m) có một nhà CÔNG QUÁN được xây dựng cùng thời điểm với Cầu Tàu, trên tường có tấm biển ghi bằng chữ Pháp: “Dans cette maison, vécut le grand compositeur Camille Saint-Saeens du 20 mars au 19 Avril 1895. II acheva 1/opéra BRUNEHILDA”.
Có nghĩa là: Tại ngôi nhà này, nhà soạn nhạc vĩ đại Camille Saint-Saeens đã từng sống từ ngày 20-3 đến 19-4-1895. Tại đây ông đã hoàn thành vở nhạc kịch BRUNEHILDA.
Đó là dấu tích của một nhà soạn nhạc lớn của nước Pháp có chân trong viện Hàn Lâm ở Pa-Ri đã đến thăm Côn Đảo.
VII. NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG:
Có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghĩ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hện bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.
Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo là một di tích căn thù, có giá trị tố cáo chế độ htực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Do đó Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo khác hẳn với các nghĩa trang liệt sĩ trong nước ta, không phô trương khác với thực tế lịch sử mà hài hoà với cảnh trí thiên nhiên, gây ấn tượng tưởng niệm sâu lắng.
Một nắm đất ở Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh.
“Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp sương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”
“Nghĩa Trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhôn lên
Không bia mộ, không tên và không tuổi”
NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG CÔN ĐẢO được khởi công xây dựng và tôn tạo ngày 19/12/1992 chia làm 4 khu:
KHU A: Gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể) trong đó 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 về trước. Nơi đây có ngôi mộ liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước NGUYỄN AN NINH.
KHU B: Gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể) trong đó 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến 1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng CAO VĂN NGỌC.
KHU C: Gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ 1960 đến 1975. Nơi đây có ngôi mộ của anh hùng LÊ VĂN VIỆT.
KHU D: Gồm 148 ngôi mộ, trong đó 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Đặc biệt Khu D là khu mộ qui tập những nấm mộ từ Hòn Cau và Hàng Keo về.
(Số liệu trên được tính đến năm 2004)
TÙ NHÂN CÔN ĐẢO TRONG CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
Từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1/2/1862-1/5/1975). Trải qua 113 năm đen tối đoạ đày Côn Đảo như một bản cáo trạng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc.
Ngay từ khi thành lập nhà tù chúng đã đày ra Côn Đảo 50 phạm nhân (3/1862), rối tiếp sau là hàng ngàn người. Đó là những nông dân và sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ. Trong đó có các cụ Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Dương Đình Thách, Trương Bá Huy, Ngô Đức Kế, Phạm Cao Chẩm, Trần Trọng Cung, Trần Cao Vân...
Tiếp theo những năm sau có hàng vạn cán bộ, đảng viên đảng công sản như các đồng chí: Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hông Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh...
Tháng 9/1945, hơn 2.000 tù chính trị đã nổi dậy dành quyền làm chủ và được đón về đất liền tham gia kháng chiến.
Ngày 18/4/1946, thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. Cao uỷ Pháp tại Đông Dương đã quyết định chuyển đến Côn Đảo một số lượng tù nhân để giảm bớt mật độ và tình hình ở khám lớn Sài Gòn.
Cuối tháng 7/1954, nổ ra cuộc tổng đình công bãi thực đòi trao trả theo hiệp định Genève 1954, thực dân Pháp đã phải trao trả cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà 4 đợt tổng số 593 tù binh và 1.150 tù án. Côn Đảo còn lại 603 tù nhân án tư pháp (thường phạm) trong đó có vài chục người vốn là kháng chiến bị chúng kết án tư pháp nên không được trao trả.
Tháng 3/1955, thực dân Pháp bàn giao lại nhà tù Côn Đảo cho nguỵ quyền Sài Gòn.
Năm 1957, Mỹ-Diệm mở rộng hệ thống nhà tù. Riêng trong năm 1957 chúng liên tiếp lưu đày ra Côn Đảo 10 chuyến tổng số 3.080 người.
Từ khi Mỹ-nguỵ leo thang, đẩy mạnh chiến tranh số lượng tù nhân bị giam giữ tăng dần có lúc lên đến con số 10.000 người (1967-1969). Trong số đó phụ nữ, sinh viên, học sinh và một số cháu bé từ 1 đến 8 tháng tuổi (theo mẹ).
Sau hiệp định Paris (1/1973) nhiều đợt phân loại chuyển tù. Số lượng tù nhân Côn Đảo được bổ sung và biến động ở mức 8.000 người cho đến ngày giải phóng.
Theo sổ tay ghi chép của đồng chí Tịnh Văn Lâu, bí thư Đảng uỷ lâm thời ngày Côn Đảo giải phóng (1-5-1975) có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị (494 phụ nữ).
“ Chúng tôi, ai cũng rơi nước mắt, sung sướng vô ngần, các đồng chí ruột thịt của ta bị lưu đầy cầm giữ trong cái địa ngục trần gian khét tiếng này, đã vùng lên tự giải phóng. Các đồng chí đã hoàn thành thay chúng tôi một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của Bộ Chính trị giao cho chúng tôi”...
Đó là lời phát biểu của đồng chí Tường, chính uỷ tàu Hải quân ta, một trong những chiếc tàu làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo, cặp bến Côn Đảo đầu tiên mờ sang ngày 4/5/1975.
Côn Đảo là một vùng đất thiêng ghi dấu sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng vượt trên mọi thời đại, một vùng đất hứa của Việt Nam giành cho mọi người hướng về, tìm đến để nhớ lại cội nguồn và giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ tuổi trẻ hôm nay và mãi mãi về sau.